Trang chủ Dịch vụ Thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp mới

Thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp mới

Sau khi có giấy chứng nhận đăng kí đăng kí doanh, cần làm gì tiếp theo là câu hỏi nhiều doanh nghiệp mới thành lập băn khoăn và quan tâm nhất. Hãy cùng DC ACCOUNTING & TAX tìm hiểu chi tiết hơn qua 10 thủ tục quan trọng cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp mới nhất nhé!

Thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp

1. Thủ tục kê khai và nộp lệ phí môn bài

Căn cứ vào Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định miễn nộp lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:

  • Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới);
  • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh;

Lưu ý: Thời hạn chậm nhất nộp tờ khai và tiền lệ phí môn bài là trước ngày 30/01 năm sau năm thành lập. Trong trường hợp nộp chậm sẽ bị phạt với mức phạt chậm nộp tờ khai và tiền lệ phí môn bài.

  • Mức thuế môn bài là 2.000.000 đồng/năm đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ trở xuống 
  • Mức thuế môn bài là 3.000.000 đồng/năm đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ.

2. Treo biển hiệu tại địa chỉ trụ sở đăng ký

Biển hiệu có thể làm dưới dạng ngang hoặc dọc, với giới hạn kích thước được quy định tại Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 như sau:

  • Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
  • Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
  • Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Theo Điểm c Khoản 2, Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về các mức phạt liên quan đến tổ chức quản lý doanh nghiệp thì:

Việc không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; sẽ bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng.

Thêm vào đó, Công ty vi phạm còn buộc phải gắn tên tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN theo quy định.

3. Mở tài khoản ngân hàng

Hiện nay, pháp luật không có quy định bắt buộc Doanh nghiệp phải mở tài khoản Ngân hàng. Kể từ ngày 1/5/2021 doanh nghiệp mới mở tài khoản ngân hàng thì KHÔNG cần phải đăng ký với Sở Kế hoạch Đầu tư  Nhưng trên thực tế việc mở tài khoản ngân hàng là một trong 10 thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp:

  • Là điều kiện để doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử;
  • Doanh nghiệp bắt buộc phải thanh toán bằng tài khoản ngân hàng đối với những giao dịch trên 20 triệu;
  • Giúp DN thuận tiện hơn trong hoạt động kinh doanh, nâng cao tính chuyên nghiệp trong giao dịch, thanh toán…

Sau khi doanh nghiệp nhận được Giấy đăng ký kinh doanh và mở tài khoản ngân hàng phải tiến hành thực hiện điền thông tin trên Mẫu số 08-MST để bổ sung thêm “Thông tin đăng ký mới” (theo Thông tư 105/2020/TT-BTC) và thông báo lên cho Chi cục thuế đang quản lý trực tiếp tại nơi đặt trụ sở.

4. Khắc dấu và đăng ký chữ ký số 

Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về con dấu của doanh nghiệp cụ thể như sau:

  • Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
  • Doanh nghiệp tự quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của DN) và không cần phải thông báo mẫu con dấu cho Phòng đăng ký kinh doanh.

Hiện nay, vẫn chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số sau khi thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, hầu hết các DN đều chọn chữ ký số và chữ ký số điện tử có giá trị tương đương với con dấu của doanh nghiệp khi nộp thuế điện tử. Theo quy định, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử.

Chữ ký số điện tử có giá trị tương đương với con dấu của doanh nghiệp

5. Bổ nhiệm kế toán trưởng, người phụ trách kế toán

Theo Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Điều 53 của Luật kế toán về kế toán trưởng, như sau:

  • Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
  • Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.

Như vậy, nếu DN không thuộc trong lĩnh vực nhà nước nêu trên hoặc không phải là DN siêu nhỏ thì bắt buộc phải có kế toán trưởng. Trường hợp chưa bổ nhiệm được kế toán trưởng ngay thì phải bố trí người phụ trách kế toán (Nhưng cũng chỉ được tối đa là 12 tháng, sau đó phải bố trí người làm kế toán trưởng).

6. Đăng ký thuế lần đầu

Sau khi DN nhận được Giấy Đăng ký Kinh doanh, DN phải soạn thảo hồ sơ khai thuế ban đầu nộp cho Chi cục thuế quản lý trực tiếp tại nơi đặt trụ sở.

Thông thường, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ phải lập một bộ hồ sơ khai thuế lần đầu để gửi lên cơ quan thuế bao gồm giấy tờ sau:

(1) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

(2) Quyết định bổ nhiệm Giám đốc (Tổng giám đốc);

(3) Quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng, người phụ trách kế toán;

(4) Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật, của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán;

(5) Công văn đăng ký hình thức kế toán, chế độ kế toán và sử dụng hóa đơn;

(6) Văn bản đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (nếu có tài sản cố định);

(7) Giấy ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

7. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Khi thành lập, DN hãy lưu ý đến ngành, nghề kinh doanh của mình, nếu thuộc những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì DN phải đảm bảo các điều kiện và phải bảo đảm xuyên suốt trong quá trình kinh doanh của mình.

Đối với một số ngành, nghề chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh. Đối với nhiều ngành, nghề thì phải cần giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện… trước khi kinh doanh.

8. Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (gọi là GTGT)

Có 02 phương pháp phổ biến tính thuế GTGT, đó là:

– Phương pháp tính trực tiếp, bao gồm:

Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ.

Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện theo phương pháp khấu trừ.

Hộ, cá nhân kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

– Phương pháp khấu trừ thuế bao gồm các DN đang hoạt động đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Có doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.

Các DN mới thành lập thì thuộc đối tượng áp dụng phương pháp trực tiếp tính bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu; Tuy nhiên, nếu thuộc các trường hợp sau đây thì doanh nghiệp có thể tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế:

+ Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

+ Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.

9. Đăng ký hóa đơn điện tử

Hiện nay, tất cả tổ chức, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đều bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123Thông tư 78. Doanh nghiệp có thể tham khảo về quy trình thông báo phát hành hóa đơn điện tử

10. Thông báo về số lao động làm việc tại DN

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại đơn vị (Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Trên đây là 10 thủ tục quan trọng cần thực hiện khi thành lập doanh nghiệp. Hy vọng bài viết sẽ gửi đến nhiều thông tin bổ ích cho Quý doanh nghiệp

———————————————————————————————

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được chia sẻ và tư vấn nhiều hơn

CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ KẾ TOÁN & TƯ VẤN THUẾ ĐẦU XUÂN ĐỨC

[A] 40 Cù Chính Lan, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng

[W] https://dichvuketoandanang.vn

[E] dauxuanduc@ketoandc.com

[M] 0935 786 134

Dịch vụ khác

0935 786 134
Verified by MonsterInsights