Trang chủ Hướng dẫn DN khởi nghiệp Bạn nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào để thành lập mới?

Bạn nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào để thành lập mới?

Hiện nay, có 5 loại hình doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam bao gồm: Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên, Công ty cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh. Dưới đây là những phân tích về từng loại hình doanh nghiệp để cá nhân, tổ chức có cái nhìn tổng quan và đưa ra những lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất trước khi thành lập.

Câu hỏi thắc mắc của nhiều cá nhân, tổ chức trước khi thành lập Doanh nghiệp

1. Công ty TNHH một thành viên

Căn cứ Điều 74 của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH một thành viên có các đặc điểm sau:

– Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

– Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

– Được phát hành trái phiếu, trong đó có trái phiếu riêng lẻ.

2. Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên 

Theo Điều 46 của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên có các đặc điểm sau:

– Là doanh nghiệp có từ 02 – 50 thành viên là tổ chức, cá nhân.

– Thành viên trong công ty chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp:

  • Trừ trường hợp thành viên chưa góp hoặc góp chưa đủ số vốn đã cam kết theo quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này.
  • Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng trong các trường hợp như: yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp theo quy định tại Điều 51; chuyển nhượng theo Điều 52 hoặc thành viên bị chết, mất tích… theo Điều 53 của Luật.

– Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

– Được phát hành trái phiếu, trong đó có trái phiếu riêng lẻ. 

3. Công ty cổ phần 

Theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có đặc điểm sau: 

– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau và gọi là cổ phần;;

– Cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân; số lượng tối thiểu là 03 cổ đông và không giới hạn số lượng tối đa;

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác,trừ trường hợp:

    + Trong 03 năm đầu thành lập, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại Hội đồng cổ đông (theo khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp);

    + Điều lệ quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần (theo khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp).

– ​Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay

4. Doanh nghiệp tư nhân 

Theo quy định  tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 các đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân được nêu cụ thể như sau:

– Là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

– Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

– Mỗi người chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

5. Công ty hợp danh 

Các quy định của công ty hợp danh được nêu tại Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau: 

– Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty (thành viên hợp danh), cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài ra, còn có thêm thành viên góp vốn:

– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

   + Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

   + Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người thành lập và một số yếu tố như: mục tiêu và định hướng của chủ doanh nghiệp, tiềm lực về tài chính, số lượng thành viên sáng lập,… có thể lựa chọn 1 trong 5 loại hình doanh nghiệp như trên. Trên thực tế, đối với các ngành nghề kinh doanh không có điều kiện đặc biệt, người thành lập mới  thường lựa chọn 3 loại hình công ty là: Công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần và tùy theo thời gian, những tiêu chí này có thể thay đổi và từ đó loại hình doanh nghiệp cũng có thể thay đổi cho phù hợp với thực tế.

Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc liên quan đến loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được chia sẻ và tư vấn nhiều hơn.

———————————————————————————-

CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ KẾ TOÁN & TƯ VẤN THUẾ ĐẦU XUÂN ĐỨC

[A] 40 Cù Chính Lan, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng

[W] https://dichvuketoandanang.vn

[E] dauxuanduc@ketoandc.com

[M] 0935 786 134

Bài viết liên quan

0935 786 134
Verified by MonsterInsights