Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là cái tên rất quen thuộc với người đi làm. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều bạn thắc mắc thuế TNCN là gì? Mức lương bao nhiêu sẽ phải đóng thuế TNCN? Cách tính như thế nào, có được hoàn trả không hay khi nào cần quyết toán thuế? Dịch vụ kế toán Đầu Xuân Đức sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về các thông tin này nhé!
1. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (TNCN) LÀ GÌ? LƯƠNG BAO NHIÊU ĐÓNG THUẾ TNCN?
Hiện nay, các văn bản pháp luật Việt Nam chưa có một khái niệm cụ thể về thuế TNCN. Dựa trên Luật Quản lý thuế 2019 và căn cứ vào cách tính thuế có thể hiểu như sau:
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một loại sắc thuế trực thu, được đánh vào một số cá nhân có thu nhập cao và mức chịu thuế này sẽ do pháp luật quy định. Người nộp thuế bao gồm các cá nhân cư trú và các cá nhân không cư trú tại Việt Nam.
Vậy lương bao nhiêu thì mới đóng thuế? Trong trường hợp nếu không có người phụ thuộc, thì người lao động có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng phải đóng thuế TNCN. Còn nếu có một người phụ thuộc, thì thu nhập phải trên 15,4 triệu đồng/tháng mới cần phải đóng thuế.
2. THUẾ TNCN CÓ ĐƯỢC HOÀN TRẢ?
Theo khoản 2, Điều 8 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, thuế TNCN sẽ được hoàn lại nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp;
– Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế;
– Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. CÁC KHOẢN GIẢM TRỪ THUẾ TNCN
Các khoản giảm trừ khi tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công. Theo quy định hiện hành, có 3 khoản giảm trừ thuế TNCN:
- Giảm trừ gia cảnh: bao gồm giảm trừ cho bản thân và giảm trừ cho người phụ thuộc
- Giảm trừ với các khoản đóng bảo hiểm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc); và quỹ hưu trí tự nguyện
- Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học: là khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.
Tìm hiểu thêm: Mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc
4. THỜI HẠN QUYẾT TOÁN THUẾ TNCN
Căn cứ quy định tại điểm a, điểm b Khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội quy định thời hạn khai, nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN như sau:
– Đối với tổ chức trả thu nhập: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quyết toán thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 03 (kể từ ngày kết thúc năm dương lịch)
– Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán: Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 04 (kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.)
Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế TNCN nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định, không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.
Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó theo quy định của Bộ luật Dân sự
Xem thêm: Quyết toán thuế với chi phí ưu đãi